Quyết tâm khôi phục hoạt động chợ Chà Val

Hơn 15 năm nay chợ Chà Val (xã Chà Val, Nam Giang) gần như bị bỏ hoang, hư hỏng. Đưa chợ Chà Val vào hoạt động trở lại là quyết tâm của chính quyền địa phương nhằm không chỉ khắc phục tình trạng lãng phí mà còn hướng đến mục tiêu thúc đẩy các hoạt động thương mại vùng biên giới phát triển.

Chợ Chà Val xuống cấp hư hại. Ảnh: V.L

Chợ Chà Val xuống cấp hư hại. Ảnh: V.L

 

Năm 2005, chợ Chà Val được đầu tư xây dựng trên diện tích 1.200m2, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư chương trình Chợ biên giới của trung ương. Đầu năm 2008 chợ được đưa vào sử dụng, UBND xã Chà Val được giao quản lý. Tuy nhiên, từ lúc xây dựng xong đến nay, địa phương không thể vận động được tiểu thương vào chợ buôn bán.

 

Năm 2010, chợ được giao cho Đoàn Kinh tế - quốc phòng 206 thuê kinh doanh, chứa hàng hóa nhưng hiệu quả thấp, không cạnh tranh được với các hộ dân buôn bán dọc quốc lộ 14D, năm 2015 Đoàn Kinh tế - quốc phòng 206 trả lại mặt bằng.

 

Từ năm 2016, chợ được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nam Giang quản lý (nay là Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện). Hiện tại, khu vực xung quanh chợ đã khai thác quỹ đất gần hết (18 lô). Tuy vậy, hiện trạng chợ đã hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, tất cả cửa sổ, cửa ra vào đã bị rỉ sắt mục nát.

 

Đưa chợ Chà Valvafo hoạt động trở thành quyết tâm của chính quyền địa phương. Ảnh:V.L

Đưa chợ Chà Val vào hoạt động trở thành quyết tâm của chính quyền địa phương. Ảnh: V.L

 

Ông Tơn Đênh Sơn - Chủ tịch UBND xã Chà Val thừa nhận, nguyên nhân chợ bị bỏ hoang ngoài việc tiểu thương không muốn vào kinh doanh vì hầu hết đã có cơ sở, nhà cửa buôn bán dọc quốc lộ 14D thì việc chọn vị trí chợ không hợp lý, thiếu công trình vệ sinh, chưa kể sức mua trong dân thấp do đó khiến tiểu thương ngần ngại.

 

“Trước đây thu nhập bà con còn thấp, nhu cầu mua bán ít nên tiểu thương không muốn vào vì phải thuê mặt bằng và đóng thuế nhưng bây giờ đời sống kinh tế người dân đã cải thiện, nhu cầu mua sắm cũng tốt hơn, xã muốn phục hồi đưa khu chợ vào hoạt động mua bán hoặc làm nơi sấy các mặt hàng nông sản như măng khô, sâm cau… nên rất mong chợ được đầu tư sửa sang lại” - ông Tơn Đênh Sơn kiến nghị.

 

Xã Chà Val là tiểu khu 2 của khu kinh tế cửa khẩu, nơi đây được xem là trung tâm thương mại của 8 xã vùng cao và cụm cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Tính đến năm 2023 toàn xã có 812 hộ, dân số khoảng 3.200 người, hoạt động thương mại gắn với cửa khẩu quốc tế Nam Giang dọc quốc lộ 14D cũng bắt đầu nhộn nhịp. 

 

Mới đây, đoàn công tác Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện Nam Giang đến khảo sát hiện trạng chợ Chà Val nhằm tìm ra phương án phục hồi hoạt động của chợ. Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Nam Giang, để đưa chợ vào hoạt động, trước hết cần cải tạo, nâng cấp lại một số hạng mục như làm thêm khu vực chợ ướt bán thịt cá, rau quả; làm thêm quầy, sạp hàng; đầu tư hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng; đầu tư mới khu vệ sinh, giếng nước, hệ thống cấp nước, khu chứa rác thải…

 

f

Hầu hết hạ tầng chợ Chà Val hư hại cần được đầu tư sửa chữa trước khi hoạt động trở lại. Ảnh: V.L

 

Ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang khẳng định, quan điểm nhất quán của huyện là phải phục hồi đưa chợ vào hoạt động, phát huy công năng hiệu quả đầu tư, tránh để chợ xuống cấp, lãng phí, đồng thời cũng hướng đến mục tiêu tạo ra một trung tâm thương mại lớn cho 8 xã vùng cao Nam Giang thời gian tới.    

 

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, chợ Chà Val không chỉ là chợ biên giới mà còn đóng vai trò trung tâm của vùng cao huyện, nhất là chỉ cách cửa khẩu quốc tế Nam Giang khoảng 20km nên tương lai sẽ rất sầm uất, do vậy bằng mọi cách phải đưa chợ Chà Val vào khai thác, hoạt động trở lại, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ về chuyên môn quản lý.  Riêng về kinh phí đầu tư, sửa chữa huyện Nam Giang phải chủ động đề xuất, Sở Công Thương sẽ có ý kiến với các sở, ban ngành cũng như tham mưu UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn để đưa chợ Chà Val vào hoạt động.  

 

Ngoài ra, huyện Nam Giang cũng cần đánh giá lại chất lượng hạ tầng chợ cũng như xác định lại chủ thể, mô hình quản lý cho phù hợp… Nghiên cứu bố trí các gian hàng sản phẩm OCOP trong chợ đưa sản phẩm từ miền biển lên giúp tạo sự phong phú, phục vụ người dân, thúc đẩy thương mại biên giới phát triển. Sở Công Thương sẽ hỗ trợ các loại hàng hóa, vận động các chủ thể OCOP từ miền xuôi tăng cường gửi hàng hóa lên…

 VĨNH LỘC
Thư viện video
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 27
  • Hôm nay: 53
  • Trong tuần: 0
  • Tháng hiện tại: 0
  • Tổng lượt truy cập: 2250